Author: admin

  • Máy ảnh MEDIUM FORMAT Chụp Món Ăn Ra Sao?

    Máy ảnh MEDIUM FORMAT Chụp Món Ăn Ra Sao?

    Được sự hỗ trợ của anh em nhiếp ảnh, team Anh Yu lại lôi đồ nghề ra test thử với tâm điểm là chiếc máy ảnh Medium Format “bình dân” Fuji GFX 50S Mark II.
    *Vì sao màu sắc tái tạo từ thiết bị lại quan trọng?
    Với các bộ môn nhiếp ảnh khác, thiết bị có thể là không quan trọng lắm. Sự quan tâm dành chủ yếu tới bố cục, ý tưởng. Tuy nhiên đến với món ăn hay một số sản phẩm là chủ đề đặc biệt nhạy cảm về MÀU SẮC. Chúng ta nhờ máy để thể hiện cái Nhìn của mình, thì máy phải chính xác về màu. Màu sắc này đến từ cảm biến trong thân máy và màu của ống kính. Ngày nay độ sắc nét, tốc độ, kích thước ảnh các thiết bị gần như tương đương nhau nhưng tới màu sắc thì phân hóa mạnh. Đôi khi đó là yếu quyết định để ta chốt hạ xuống tiền. Photoshop tuy rất mạnh mẽ nhưng để chữa lại màu đúng của tự nhiên, của thực phẩm thì toát mồ hôi sôi nước mắt chưa chắc ra đẹp và đúng ạ, vì thế thiết bị vẫn là quan trọng 😜
    “Sự tò mò là ngọn bấc trong cây nến học hỏi”. Phương châm là học phải luôn có sự So Sánh, ko phải để hơn thua mà để mở tầm nhìn ra, cũng là niềm vui của môn Nhiếp Ảnh. So sánh liên tục giữa nhiều máy, nhiều đèn và bản thân mình qua các thời điểm, rảnh cái là so sánh. Để so sánh với khủng long con GFX có 2 chiến binh cày cuốc quen thuộc:
    – Canon R + lens Zeiss Milvus 50mm F2 Macro
    – Sony A7 III + lens Sigma 24-70mm F2.8 Art
    Đề bài test học sinh giỏi: màu cam chanh trên nền xám ngược sáng, kèm ly nước thủy tinh. Ánh sáng tự nhiên + đèn Nanlite.
    Màu sắc nguyên bản standard của máy, có Lens Correction trên Camera Raw.
    Nhìn hình mỗi người có cảm nhận riêng. Anh thích cái nào bấm Like nhé. Với con mắt chúng tôi, mạn phép 1 vài dòng nhận xét:
    – Màu sắc Fujifilm GFX chủ yếu vẫn đậm chất Fuji đặc biệt là gần giống dòng X-H. Các màu trung tính lên trong trẻo không bị ám. Màu xanh và đỏ nhìn chung khá tậm tịt, cần thuốc thêm nhiệt tình.
    Ống kính GF 63mm (tương đương 50mm FF) : Bokeh nhìn có vân, hơi rối mắt hơn. Viền xanh tím tương đối nhiều, khép khẩu lại tốt hơn. Xóa phông mạnh mẽ nhất trong 3 máy (vì hệ MF)
    Điểm mạnh nhất là độ chi tiết cao, sắc nét, 1 file Raw nặng khoảng 100mb tha hồ zoom, crop. Tuy nhiên Dynamic range và ISO cũng không quá ấn tượng, tương đương Full Frame.
    – Sony và lens Sigma: màu xám bị ám xanh, hiện tượng thường thấy ở các máy Sony, sẽ khó để hậu kì. Không chính xác nhưng nhìn vẫn ngon mắt.
    – Canon và lens Zeiss: màu sắc chính xác nhất trong 3 máy, tương phản đậm đà hơn, độ nét rất tốt, tuy nhiên quang sai khá nhiều. Lens Zeiss cho bokeh nổi mạnh hơn, nếu ai cần hình có “cá tính” lại chuẩn xác màu thì cân nhắc bộ này cho nhẹ tiền (không có AF).
    Kết lại là có đáng để nâng cấp lên Medium Format Fuji chụp món ăn không? Câu trả lời chưa biết nhưng người sở hữu máy GFX này @phanminh.hieuuu đã bán đi mất rồi 😅
     
  • Workshop Nhiếp Ảnh Food Photography & Still Life Sigma Vietnam 2023

    Workshop Nhiếp Ảnh Food Photography & Still Life Sigma Vietnam 2023

    Lâu lâu rồi mới lại có buổi WORKSHOP ‘ấm cúng’ & máu lửa như này. May mắn Trời đẹp, mẫu ngon, khách nhiệt tình là cháy hết mình luôn ạ. Số lượng ace quan tâm vượt ngoài mong đợi làm Speaker cũng hơi camerun 😬 tưởng ko đông mà cuối cùng đông ko tưởng hơn 100 bạn súng ống căng đét 📸 Thời gian ít mà chủ đề quá rộng chỉ kịp đi vào những cốt lõi nhất, hi vọng gặp lại ace 1 dịp khác để tâm tình nồng ấm hơn nữa.
    Cám ơn hãng Sigma Vietnam và cộng đồng group Sigma Việt Nam rất nhiều 😍😍😍      
  • Bí Quyết Chụp Ly Nước Uống Đá

    Bí Quyết Chụp Ly Nước Uống Đá

    Ly nước ko chạy nhưng nó đang biến đổi không ngừng.
    Từng giây trôi qua năng lượng từ môi trường tác động khiến các phân tử nước nhúc nhích, chuyển từ dạng rắn sang lỏng. Sự phân tầng bắt đầu xuất hiện, bàn bắt đầu ướt, bọt bắt đầu sụp. .. Mồ hôi ly chảy đến đâu thì mô hôi của ông chụp hình cũng vã ra đến đấy.
    Chụp 1 ly nước đá là 1 cuộc chạy đua cự ly 100m, tức trong 10s là đẹp. Bạn ko cần phải nỗ lực ánh sáng, styling chiêu trò gì cả khi mặt ly mới bước ra quầy pha chế. Khi đó nó có 1 lớp sương mờ mịn màng, mắt nhìn dễ chịu, chắc chắn đẹp hơn chai xịt hay photoshop. Bụp 1 phát với 1 đèn phía trước hoặc hắt sáng ta có 1 tấm hình nhìn đẹp tự nhiên. Nếu làm hụt ta làm lại ly khác, đừng cố gắng sửa, càng lúc càng xấu thêm thôi ☺️
  • Màu Film Trên Ảnh Món Ăn

    Màu Film Trên Ảnh Món Ăn

    Các bạn chơi ảnh trên IG hẳn ít nhiều yêu mến màu film. Màu film gốc hay fake tùy bạn nhưng dùng sao cho ngầu? Hôm nay mình thử nghịch xem sao.
    Về mặt kĩ thuật, chụp film (có thể) hơn chụp digital ở các điểm sau mà đến giờ anh em vẫn mê và còn giả lập theo:
    Noise aka “rắc mè lên hình”, nhìn hoài niệm và có cảm giác “chạm vào chủ thể”
    Quang sai hay viền xanh viền tím (CA) trên máy film nhìn chung ít lồ lộ như máy số (tùy ống kính và hoàn cảnh)
    Màu da tuyệt vời và phần highlight trên ảnh film nhìn dễ chịu hơn máy số (nếu bị cháy sáng nhìn đỡ ghê)
    Màu sắc không bị rực quá (cảm giác đồ cổ)
    Hình chân dung, couple, đường phố… áp màu film dễ dàng thấy đẹp, phần câu chuyện bức hình nếu mờ nhạt sẽ được cảm giác film này cứu vãn. Bây giờ ta thử áp màu film vào hình món ăn xem sao.
    Màu film Fuji 400H vạn người mê áp vào quá fail vì hình trở nên phẳng lì, ko hấp dẫn.
    Tấm bánh này cũng là màu film đấy, nhưng là chỉnh tay theo hướng “cinematic” hơn là dạng filter giả lập máy ảnh film có sẵn.
    Thời gian chỉnh tay sẽ lâu hơn nhiều vì phải canh từng màu, mục đích vừa tạo cảm giác ảo, lại vừa không làm mất độ ngon của món ăn. Từ thời thượng bây giờ là “color grade”. Cá nhân mình chỉ áp dụng chiêu trò này trên vài món bánh và bối cảnh đồng quê.
    Tuy nhiên cùng cách chỉnh tấm 1 bê qua tấm 4 (BÁNH MÌ TRỨNG) thì lại không ổn, vì màu xanh bây giờ lại nằm trên nhân vật chính (ăn được), nó không được phép ảo. Màu xanh của rau tươi, tốt nhất là ko đụng vào, để ống kính nó “vẽ” dùm. Hình thương mại mình chụp sẽ không dùng màu film. Các bạn cho ý kiến xem màu gốc hay màu film trên món ăn đẹp hơn nhé?
    Còn với hình chân dung, Fuji 400H là sự lựa chọn phổ biến của những người đam mê film. Cũng chính bởi cách cuộn film này hiển thị màu sắc và tông màu da một cách đặc biệt mà khiến cho những người đam mê khó có thể nào tìm được sản phẩm khác thay thế. Rất tiếc gần đây có thông tin là hãng đã ngưng sản xuất, ta đành chơi hàng digital fake đỡ ghiền.
    Nghệ thuật thì ko có đúng sai, chỉ có like hoặc lơ thôi. Ai thích màu mè gì cứ chơi nhé 😉
    Anhyu.com
  • Review Đánh Giá Chi Tiết Ống Kính Canon RF 100mm Macro L

    Review Đánh Giá Chi Tiết Ống Kính Canon RF 100mm Macro L

    Nhân dịp mượn được chiếc Lens mới đang được mong chờ Canon RF 100mm f/2.8L Macro IS USM (Gọi tắt RF 100L) chúng tôi khẩn trương thụ lộc, làm bài test để anh em tham khảo nhé. Thông số kỹ thuật tính năng đã có trên mạng, Anh Yu chỉ đánh giá ở góc nhìn thực tế khi chụp hình món ăn ở ánh sáng tự nhiên Sài Gòn mùa nắng vàng khét lẹt là chính nha. Hình chủ yếu từ file JPEG lấy ngay từ máy ra, không bùa. Hãy xem trên pc để thấy sự khác bọt.

    Về tiêu cự:

    100mm nằm đúng vào đoạn chụp ảnh món ăn, hoa bướm và sản phẩm cần nhất, không thừa không thiếu. Khoảng cách lấy nét gần nhất chỉ 26cm, gần hơn 4cm so với bản cũ EF, điều này chỉ hữu ích khi chụp sản phẩm nhỏ và côn trùng còn món ăn thức uống năm thì mười họa mới cần dí sát rạt.

    Về khẩu độ: F2.8 là độ mở rất hào phóng để mọi người chụp chân dung, còn macro thì hầu hết chỉ dùng F8, F11 để lấy đủ chi tiết.

    Về chất lượng hình, màu sắc: để dễ đánh giá, mình đăng kèm hình chụp từ 2 ống kính khác là: EF 100L 2.8RF 70-200mm F4.

    Hình chụp nói lên tất cả. Ở cùng thông số, lens RF cho kết quả gần như 2 giọt nước, bản EF màu xanh lá có phần “úa” hơn 1 chút. Độ sắc nét của 3 ống kính đều xuất sắc gần như nhau. Sự khác biệt có xuất hiện một chút khi zoom 100% vào phần rìa.

    *RF không phải EF

    Viền tím viền xanh RF 100L xử lý tốt hơn bản cũ, phần specular highlight tinh tế hơn. Tuy nhiên khi bật profile khử lỗi ống kính trong Camera Raw thì sự khác biệt gần như bằng 0. Cả 2 đều ngon như nhau.

    Khi giao đề học sinh giỏi là chụp cành cây chĩa thẳng ra cửa sổ nắng thì cuối cùng em cũng lộ viền xanh tím (CA), như những ống kính khác. Đèn studio thì chụp vô tư không bị hiện tượng này.

    Một “khám phá” bất ngờ trong bài test này là: góc nhìn 100mm của RF 70-200 F4 và RF 100L là khác nhau, thực tế phải zoom đến 118mm thì ống zoom mới tương đương ống fix. Bài học rút ra là đừng nhìn vào con số trong bộ môn nhiếp ảnh này, nó ảo lắm ^^

    Các màu sắc vẫn mang phong cách nịnh trung thực của hãng mà mọi người vẫn yêu thích, hoặc không.

    – Vòng điều chỉnh bokeh: đây là chi tiết mới mà anh em đang quan tâm. Dùng ống kính này các bạn có thể có bokeh xoáy hay bokeh bong bóng quằn quại như hình mẫu nhờ vào việc xoay vòng SA Control trên lens. Tuy nhiên nó sẽ làm thay đổi mặt phẳng lấy nét và làm nhòe một cách kì lạ, nên sẽ không stack hình được. Chức năng này tương đối “văn nghệ” với mình.

     

    Một chút cảm giác lens vintage…

    – Về chống rung cắm trên EOS R: tuyệt vời! nếu bạn nào chụp ánh sáng tự nhiên, cầm tay thì hoàn toàn có thể chụp tĩnh vật với tốc độ 1/40s (hi vọng trời không gió). Điều này dịch ra là chúng ta lấy tiền mua tự do, cứ cầm tay mà chụp đủ sáng hình nét, không phải rón rén tăng ISO như xưa.

    Điều mình yêu thích nhất ở ống kính này là ở khả năng chụp dí gần vừa đủ, không phải đau lưng, không phải đau tay giơ máy lên cao.

    Túm lại, các bạn yêu thích bộ môn chụp ảnh món ăn (food photography) muốn có một ống kính chuyên nghiệp, gọn nhẹ có thể dùng ngon 5++ năm tới giúp xử lý hết 80% bối cảnh thông dụng thì RF 100L Macro là sự lựa chọn đúng nhất.

    Anh em thợ đèn đang nằm vùng với 6D2, 5D4 mà hay chụp những sản phẩm nhỏ như nữ trang, sushi hay miếng yến sào khổng lồ trong chiếc bánh trung thu ấy, thì có thể cân nhắc. Sự khác biệt nằm ở tiểu tiết.

    Cám ơn các nhiếp ảnh gia Anh Tuấn, Minh Hiếu và Paul Phạm Thiên công ty Lê Bảo Minh đã hỗ trợ rất nhiều. Hẹn gặp lại với các em nóng bỏng chân dài khác.

     

    Macro cơ bản sân vườn hoa lá:

    Anhyu.com

  • Chụp Ảnh Món Ăn Tĩnh Vật Với Máy Ảnh Leica M11

    Chụp Ảnh Món Ăn Tĩnh Vật Với Máy Ảnh Leica M11

    Tuần rồi mình có cuộc hẹn đặc biệt với chị bạn NAG @trale.ptg cũng là cựu học viên nhiếp ảnh @anhyuphoto để trải nghiệm chiếc máy ảnh bình dân Leica M11 nóng hổi vừa ra mắt. Đặc biệt là chiếc ống kính rất xứng đôi vừa lứa: Summilux-M 50mm 1.4

    Hình minh họa lấy trên mạng

    Vốn mình là thợ ảnh, chụp thương mại lâu quá khiến tầm nhìn bị giới hạn ở vùng xôi thịt. Cầm chiếc máy Leica M trên tay giống như một sự trở về với nhiếp ảnh nguyên thủy, tức là chân thực, giàu cảm xúc, đậm cá tính. Cảm giác nó rất phù hợp với tính của mình nhưng túi mình thì chưa 😅.

    M11 là gạch nối giữa cổ điển và hiện đại. Độ phân giải medium format 60mp nằm trong thân hình thanh thoát thời trang. Cầm em Leica đẹp vậy mà ở trong nhà chụp tĩnh vật thì hơi bị uổng, phải ra ngoài cho người ta biết mà giựt chứ, nên thường trên mạng hơi hiếm Food Photo Leica. Vì thế mình sẽ test thử nghiệm vài tấm để anh chị em tham khảo. Hình Leica đã quá ổn nên chỉ cần vài nghiệp vụ sáng tối cơ bản thôi là ngon, màu gốc nhé.

    Một vài cảm nhận đánh giá cá nhân về máy ảnh Leica M11:

    – Lấy nét hơi lâu vì không có AF, nhưng khi quen rồi thì đó là một điểm thú vị.

    – Leica các loại nói chung thân thiện với trigger đèn Jinbei, cắm là chớp nuột.

    – Dư thừa độ phân giải mà thiếu chống rung, giống như chạy xe phân khối lớn mà ko cho cái phanh tốt nên dễ bị “xòe”. 60mp thì xác định nhiễu hạt, chụp thương mại khó. Nhưng hạt grain của leica nhìn dễ chịu hơn hẳn các máy crop.

    “Máy có thể hẹn hò nhưng lens là phải cưới” Chiếc Summilux 50mm huyền thoại này chụp đẹp miễn chê, đặc biệt là khả năng làm trong màu sắc (chấp luôn ánh nắng chát vàng đục ở SG). Tuy có sự viền tím nhẹ nhưng đã yêu thì có thể châm chước bỏ qua. Bokeh xóa phông cực sạch sẽ, đậm cá tính. Nói chung vừa giàu cảm xúc như lens vintage lại vừa sắc nét màu trong như lens hiện đại, thế nên nó mới trăm củ.

    – Mọi thứ trên máy đều được làm tối giản, đầu óc chỉ còn bận tâm lấy nét lấy khung cho chuẩn. Nó phù hợp với ai sống chậm kiên nhẫn chút vì cảm giác ban đầu sẽ thiếu và thốn nhẹ. Mặt khác, nói tới “sự tối giản của người Nhật” mình lại nhớ tới menu máy anh S. nhìn hoa cả mắt. Đúng là nghịch lý của sự lựa chọn.

    Youtube ai chê thì chê chứ ăn mày mà có xôi gấc thì ngon hết á. Anh em trót mê chất ảnh Leica mà ví lép hơn có thể cân nhắc dùng ống kính cổ hoặc dòng máy Lumix.

    Cùng xem qua hình chụp tại studio Anh Yu nha:

    Cám ơn các bạn đã theo dõi!

    Anhyu.com